Ô nhiễm môi trường ở cụm lò đúc gang, nhôm xã Trường Hoà

Ô nhiễm môi trường ở cụm lò đúc gang, nhôm xã Trường Hoà. Theo ghi nhận của người viết, việc người dân phản ánh hoạt động sản xuất của cơ sở đúc gang Trần Chi gây ô nhiễm môi trường là có căn cứ. Hiện tại, khu vực sản xuất của cơ sở này được đặt cạnh nhà một hộ láng giềng. “Lẽ ra, để tránh gây ô nhiễm môi trường, cơ sở phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo đảm hoạt động hiệu quả. Khi hoạt động trong khu dân cư, cơ sở phải xây tường cách âm cao hoặc che chắn xung quanh khu vực sản xuất để hạn chế tiếng ồn, khói bụi. Tuy nhiên, chủ cơ sở không áp dụng các biện pháp này. Chịu hết xiết cảnh khói bụi nên tôi phải bỏ tiền ra xây tường cao, phải che chắn ở khu vực giáp nơi sản xuất của cơ sở Trần Chi lên cao khoảng 5m mà vẫn không ngăn được khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn”, chủ hộ láng giềng cho biết.

Khi nhóm phóng viên khảo sát thực tế ở làng nghề đúc gang, nhôm Trường Thọ thì cơ sở Trần Chi đang nấu nguyên liệu và đúc sản phẩm. Trước đây, cơ sở có gắn mái vòm hình chóp và bộ phận hấp thụ để “hút” phần lớn khói bụi từ mái lò đưa vào bể chứa. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chủ cơ sở cho biết hệ thống trên đã bị hỏng từ trước nên không hoạt động. Để hạn chế khói bụi, cơ sở Trần Chi chỉ sử dụng hệ thống ống phun sương (nước) ở khu vực sản xuất.

Ô nhiễm môi trường ở cụm lò đúc gang, nhôm xã Trường Hoà

Một thực trạng khác đáng quan tâm ở cơ sở Trần Chi cũng như các cơ sở đúc gang, nhôm khác ở xã Trường Hoà là chưa bảo đảm an toàn lao động. Những công nhân trực tiếp đốt lò, khiêng gang lỏng lao động cạnh lò nung gang nóng như thiêu đốt mà không được trang bị bất cứ trang phục, dụng cụ bảo hộ lao động nào. Đây là môi trường làm việc khá nguy hiểm, độc hại nên cần được cơ quan chức năng quan tâm đến vấn đề an toàn lao động cho người làm thuê.

Được biết, năm 2014, Sở TN&MT xây dựng dự án xử lý môi trường tại làng nghề truyền thống đúc gang, nhôm ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà. Dự án này đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và đề xuất giải pháp xử lý ô nhiễm cho cụm lò đúc gang, nhôm. Kết quả khảo sát trong dự án cho thấy, vấn đề sức khoẻ người dân trong khu vực này đáng quan ngại: số hộ dân có người bị các vấn đề về hô hấp chiếm 25/50 hộ được khảo sát.

Khi tiến hành khảo sát, khu vực trên chỉ duy nhất có cơ sở Trần Chi hoạt động nên nhiều chỉ tiêu về môi trường, tiếng ồn nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy vậy, chỉ tiêu CO ở khu vực gần cơ sở ông Chi vượt gần 7 lần so với quy chuẩn quy định (khí CO là sản phẩm của cacbon và các hợp chất cacbon cháy không hoàn toàn). Đây là mức độ bất thường! Đồng thời, kết quả khảo sát suối Cái (nguồn tiếp nhận nước thải từ khu vực làng nghề đúc gang, nhôm) cũng cho thấy suối bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, nhóm khảo sát cảnh báo: Việc thải bỏ tro xỉ và cát làm khuôn nếu không được quản lý tốt sẽ dẫn đến việc phát tán các thành phần này vào khu vực đất dân sinh, gây ô nhiễm môi trường đất.

Nhóm khảo sát khẳng định các cơ sở đúc gang, nhôm ở Trường Thọ chưa tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường khu vực sản xuất kém. Việc sử dụng gang, nhôm phế liệu và lò đốt than đá, nhớt thải vốn chứa nhiều tạp chất và thành phần độc hại nên cần phải có biện pháp xử lý khí thải theo tiêu chuẩn quy định về lò đốt công nghiệp.

Cho đến nay, các cơ sở đúc gang, nhôm ở đây vẫn đang sử dụng nguyên liệu là phế liệu. Nguyên liệu này cần được thay thế bằng gang phôi và nhôm phôi để giảm chi phí sản xuất, hạn chế phát thải gây hại cho môi trường và con người trong khi giá thành sản phẩm tương đương nhau. Thậm chí việc sử dụng gang phôi và nhôm phôi còn có thể kéo giảm chi phí và thời gian sản xuất, giảm công lao động, dẫn đến giá thành sản phẩm làm từ nguyên liệu phôi rẻ hơn làm từ phế liệu tái chế.

Nhiên liệu sử dụng để đúc gang, nhôm ở làng nghề Trường Thọ hiện nay cũng là điều đáng quan tâm. Các lò đúc gang ở đây sử dụng chất đốt chính là than đá; lò nấu nhôm là than và dầu cặn, củi. Một số nhiên liệu khác cũng được các cơ sở sử dụng như đá vôi, dầu DO, nhớt thải. Các nhiên liệu này làm phát thải các khí ô nhiễm độc hại, gây bụi, gây mùi hôi và nhiệt thừa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến con người và môi trường xung quanh. Theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT, dầu cặn là một loại chất thải nguy hại, chứa nhiều hydrocacbon, khi đốt cháy vừa gây ô nhiễm, vừa tạo nhiều khói đen và mùi hôi. Đáng nói là dầu cặn đốt cháy không hoàn toàn và có thể sinh ra các hợp chất furan, dioxin có nguy cơ gây ung thư cho người. Do đó, việc thay thế nhiên liệu độc hại bằng các nhiên liệu ít hoặc không gây ô nhiễm như điện, gas, đồng thời với việc thay đổi công nghệ sản xuất ở các lò đúc gang, nhôm là rất cần thiết để bảo vệ sức khoẻ môi trường và cộng đồng.

Theo Phòng TN&MT huyện Hoà Thành, 9 cơ sở đúc gang, nhôm xã Trường Hoà đang gặp nhiều khó khăn về công nghệ xử lý khí thải vì hiện chưa có công nghệ xử lý điển hình đạt quy chuẩn môi trường để hướng dẫn các cơ sở khác áp dụng. Một số cơ sở cho biết khả năng tài chính có hạn nên thiếu vốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải. “Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa biết phải xây dựng hệ thống xử lý khói, bụi như thế nào để bảo đảm hiệu quả, không lãng phí tiền của. Tôi nghe nói hai lò của ông Chi, ông Tuấn đã đầu tư mỗi lò khoảng hai trăm triệu đồng mà cũng đâu xử lý hết khói bụi”, chủ một cơ sở băn khoăn.

Theo ghi nhận của người viết, không phải cơ sở đúc gang, nhôm nào ở Trường Thọ cũng “khó khăn”, bởi có những cơ sở hiện sở hữu cơ ngơi khang trang và sắm cả ô tô con. Vấn đề đặt ra là cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ sâu sát cùng với động thái kiên quyết thực hiện các chế tài hành chính của cơ quan chức năng để các cơ sở thực hiện đầy đủ những biện pháp bảo vệ môi trường.

Được biết, trước đây, có cơ sở cho biết sẽ chuyển sang công nghệ sản xuất sản phẩm từ gang bằng phương pháp đúc điện để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo khảo sát của Phòng TN&MT huyện Hoà Thành, phương pháp này khó khả thi bởi cụm đúc gang, nhôm ở Trường Thọ chưa có điện 3 pha. Mặt khác, nếu sử dụng điện 3 pha cho hoạt động đúc điện thì chi phí đầu tư rất cao (khoảng 200 – 300 triệu đồng/cơ sở). Đồng thời, lò đúc điện có giá khoảng 1 tỷ đồng/lò, vượt quá khả năng của các cơ sở.

Phương án hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khả thi nhất hiện nay- theo Phòng TN&MT huyện Hoà Thành là Nhà nước hỗ trợ các cơ sở vốn đầu tư hệ thống xử lý khí thải, bụi, mùi hôi. “Theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 24.1.2014 và Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 4.4.2014 của UBND tỉnh Tây Ninh, phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh, thì nguồn vốn cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường có kinh phí từ 225 – 275 triệu đồng/cơ sở. Với số tiền này, các cơ sở sẽ có điều kiện đầu tư công nghệ xử lý chất thải đạt quy chuẩn, nhưng đến nay chưa có cơ sở nào đăng ký vay vốn”, ông Lâm Thanh Bình – Phó trưởng phòng TN&MT huyện Hoà Thành cho biết thêm.

HOÀNG ANH. nhiễm môi trường ở cụm lò đúc gang. Bài viết nhiễm môi trường ở cụm lò đúc gang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *