Bao giờ lò đúc gang không còn nằm trong khu dân cư?

Bao giờ lò đúc gang không còn nằm trong khu dân cư?

Xã Mỹ Đồng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là một làng nghề nằm trong danh sách ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của cả nước. Mới đây, UBND xã Mỹ Đồng đã lại để cho một cơ sở xây dựng xưởng đúc gang ngay trong khu dân cư khiến một số hộ dân liền kề bức xúc.

Làng nghề đúc và gia công cơ khí xã Mỹ Đồng ra đời và hoạt động đến nay đã được khoảng 60 năm, với khoảng trên 110 cơ sở hoạt động. Để bảo vệ môi trường (BVMT) theo quy định của pháp luật, làng nghề tập trung giai đoạn 1 được triển khai xây dựng từ năm 2005, với quy mô 5,4ha, nhưng chỉ đủ đưa 22 cơ sở vào hoạt động, còn lại 90 cơ sở vẫn hoạt động trong khu dân cư.

Mở lò đúc gang giữa khu dân cư

Hiện nay, đề án làng nghề giai đoạn 2 đã được UBND Tp.Hải Phòng quy hoạch với diện tích gần 20ha. Dự kiến dự án sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020 (theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề).

Trong khi tất cả các cấp chính quyền có liên quan, từ Trung ương tới địa phương, đang từng bước tháo gỡ, chờ khu sản xuất mới đi vào hoạt động, UBND huyện Thủy Nguyên đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo: Kiên quyết không cho phép mở xưởng đúc gang thủ công trong khu dân cư, giữ nguyên hiện trạng các xưởng đã có.

Tuy nhiên, mới đây, tháng 7/2015, gia đình anh Nguyễn Văn Luyện đã tiến hành san lấp và xây dựng xưởng đúc gang với tổng diện tích 1.007m2. Nguồn gốc 1.007m2 đất (theo sổ mục kê lưu tại UBND xã Mỹ Đồng) thể hiện ở 3 thửa đất 1.226, 1.234, 1.235 bao gồm 872m2đất thổ cư và 135m2 đất nông nghiệp. Việc mở lò đúc gang trong khu dân cư đã khiến một số hộ dân sống liền kề bức xúc và làm đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Đức Tráng (thôn 5, xã Mỹ Đồn) – ở sát cạnh xưởng đúc gang nhà anh Luyện, bức xúc cho biết: “Tôi không đồng ý việc mở lò nấu gang thủ công tại khu dân cư. Nhà tôi ở sát cạnh xưởng, trung bình mỗi ngày xưởng nấu khoảng 2,5 tấn nguyên liệu. Lò đốt lên khói đen mù mịt bay vào nhà, tiếng ồn suốt cả buổi chiều, người cao tuổi như tôi rất khó chịu. Tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến chính quyền các cấp, nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết triệt để”.

Sau khi nhận được đơn kiến nghị của các hộ dân, Phòng TNMT huyện Thủy Nguyên đã phối hợp cùng UBND xã Mỹ Đồng tiến hành kiểm tra và lập biên bản, giao cho UBND xã xử lý.

Ngày 3/9/2015, UBND xã Mỹ Đồng đã có Thông báo số 17/TB-UBND về việc đình chỉ san lấp mặt bằng xây dựng lán xưởng trên đất nông nghiệp, để trả lại hiện trạng thửa đất. Thông báo là vậy, nhưng UBND xã Mỹ Đồng vẫn “bất lực”, để hộ anh Luyện san lấp, xây dựng và hoạt động từ đó đến nay.

Xã phớt lờ chỉ đạo của huyện

Lý giải về điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đồng – ông Lê Văn Quý, cho biết: UBND xã đã tuyên truyền vận động hộ anh Luyện chuyển đi chỗ khác, nhưng không tìm được chỗ nào để thuê mặt bằng, nên gia đình người ta vẫn cứ xây dựng và hoạt động ở đó. Xưởng sản xuất của gia đình anh Luyện cũng không ô nhiễm nghiêm trọng như một số hộ dân phản ánh (?).

Ngày 18/9/2015, UBND huyện Thủy Nguyên đã có Công văn số 1.042/UBND-TNMT, nội dung công văn nêu rõ: “Yêu cầu hộ ông Nguyễn Văn Luyện dừng mọi hoạt động san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng xưởng đúc gang. Đồng thời chỉ đạo UBND xã Mỹ Đồng đình chỉ, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính việc san lấp mặt bằng đối với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp làm xưởng; thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trưởng theo quy định tại khoản 3, Điều 143, Luật BVMT năm 2014; tuyên truyền, vận động để các hộ dân không tiếp tục đầu tư xây dựng mới các xưởng đúc gang trong khu dân cư”.

Công văn chỉ đạo là vậy, nhưng UBND xã vẫn không xử lý dứt điểm vi phạm. Ngày 7/1/2016, UBND huyện Thủy Nguyên tiếp tục ban hành Công văn số 21, yêu cầu UBND xã Mỹ Đồng nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc chậm chễ thực hiện chỉ đạo của UBND huyện. Ông Lại Đức Long – Trưởng phòng TNMT huyện Thủy Nguyên, cho biết: “Trường hợp này là mở mới, chỗ đó không có quy hoạch mở lò đúc. Vì vậy, hoạt động sản xuất của hộ anh Luyện là trái quy định của pháp luật. Để xảy ra sự việc này, trách nhiệm trước tiên thuộc về UBND xã Mỹ Đồng. Vì cán bộ xã ngay từ đầu đã không sâu sát tuyên truyền, xử lý dứt điểm, để lò đúc đi vào hoạt động sản xuất khiến một số hộ dân xung quanh có đơn thư kéo dài. Phòng TNMT sẽ tham mưu cho UBND huyện có văn bản gửi tới chi nhánh điện Thủy Nguyên ngừng cấp điện sản xuất cho hộ anh Luyện, như vậy sẽ không thể nấu gang được nữa, xử lý nghiêm để làm gương cho các hộ đang có ý định mở lò đúc gang mới”.

Thiết nghĩ, việc xử lý sai phạm là điều cần thiết, tuy nhiên Tp.Hải Phòng và huyện Thuỷ Nguyên cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng làng nghề giai đoạn 2 đã được UBND Tp.Hải Phòng quy hoạch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *